Không có nhiều kinh nghiệm về IoT, các thành viên mỗi người một tỉnh/thành, trong đó nhiều người vừa đi làm – vừa đi học – vừa đi thi, tuy nhiên 11 thành viên thuộc 3 đội FUNiX tham gia FPT Edu Hackathon 2018 đều cố gắng làm hết khả năng. “Kết quả tốt thì sẽ rất vui, lỡ mà fail thì coi như là một chuyến khám phá”, xTer Nguyễn Vũ Minh Nguyên (Kon Tum) chia sẻ.
Chiều ngày 13/5/2018, 3 đội FUNiX đã hoàn thành phần thi codefights. Trong vòng 4 tiếng, từ 14h-18h, mỗi đội phải giải tổng cộng 15 bài, vòng thi nhằm đánh giá kỹ năng lập trình và kiến thức về thuật toán.
Để thực hiện nội dung này, như các đội tuyển khác trong tổng số 46 đội tham gia, các thành viên FUNiX đã đăng ký với BTC ngôn ngữ lập trình duy nhất mình dùng để làm bài thi và tài khoản email duy nhất để thực hiện bài thi là email của trưởng nhóm. Java là ngôn ngữ mà cả 03 đội của FUNiX đều đăng ký. Kết quả vòng 1 FPT Edu Hackathon 2018 dựa trên: codefights chiếm 20% và ý tưởng chiếm 80%.
Tự nhận hơi yếu thế so với các đội khác khi chỉ có một người trong nhóm biết ngôn ngữ lập trình Java, các thành viên còn lại đều mới bắt đầu học được vài buổi, Vũ Đăng Nhân (Lào Cai) – nhóm trưởng đội “Ứng dụng theo dõi Chỉ số sinh tồn” đã trải qua phần thi đầu tiên cùng với các đồng đội của mình, gồm Nguyễn Hoàng Long (Hải Phòng), Phạm Khánh Huy (Tuy Hòa) và Nguyễn Văn Duy (Hà Nội). Ở nội dung codefights, Phạm Khánh Huy là người thi chính, Long và Duy yểm trợ. Là trưởng nhóm, Nhân đóng vai trò theo dõi, giám sát chung. Chung cuộc, đội cậu hoàn thành 15/15 câu với thời gian áp chót 3h50′, rank 40.
Tâm sự thêm, Đăng Nhân cũng cho biết: “Buổi thi codefight, đội mình có gặp chút trục trặc ở đầu buổi, có có duy nhất một thành viên online, một bạn bố ốm nặng phải đưa đi viện gấp, một bạn do thời tiết xấu bị cúp điện, bản thân mình đang online thì có bệnh nhân vào cần khâu vá băng bó gấp. Rất may, những trục trặc này chỉ diễn ra trong 30p đầu, sau đó các thành viên đều có mặt đông đủ, sẵn sàng tiếp ứng cho bạn thi Codefight chính”.
Về phía mình, đội “Áp dụng IoT cho nhà trồng nấm rơm” gồm Nguyễn Vũ Minh Nguyên (Kon Tum) Trần Thanh Tịnh (Cần Thơ), Phạm Minh Hùng và Võ Tiến Công ở TP. HCM, nhận định: “Đề dễ hơn bọn mình nghĩ”. Đội hoàn thành 15/15 câu trong thời gian 1 giờ 28 phút, xếp rank 12.
xTer Phạm Minh Hùng – “tay code chủ lực” của đội chiều 13/5 chia sẻ với tâm lý khá thoải mái: “Thi để vui và lấy kiến thức chủ yếu nên khá tự tin”.
“Trước mắt, cứ đợi từng bước thực hiện xem khả năng tới đâu đã”, xTer Nguyên cũng nói thêm. Hiện, nhóm cũng đang chuẩn bị cho Vòng 2: Thuyết trình ý tưởng và khả năng ứng dụng công nghệ diễn ra ngày 19-20/5 sắp tới.
Không được lạc quan như hai đội trước, team của Nguyễn Hữu Lai (TP. HCM), Phạm Văn Khoa (Hải Dương) và Văn Công Lê Ca (Đà Nẵng) bị mất liên lạc với nhau trong khung giờ thi codefights. Hiện hai thành viên còn lại vẫn chưa liên lạc được với đội trưởng Lê Ca để nắm bắt tình hình. Tuy nhiên, Lai cho biết, dù kết quả có như thế nào cậu và Khoa vẫn tiếp tục thực hiện nốt ý tưởng “Kính thông minh” của nhóm mình: Tiến hành mua dụng cụ, thiết lập app và điều khiển từ xa.
Theo thông báo từ BTC cuộc thi, trong hôm nay (15/5), kết quả Vòng 1 Hakathon FPT Edu sẽ công bố.
FPT Edu Hackathon 2018 là cuộc thi lập trình dành cho học sinh, sinh viên thuộc 03 miền của Tổ chức giáo dục FPT (FPT Edu), được tổ chức theo mô hình Hackathon nổi tiếng của thế giới. Thách thức của cuộc thi nằm ở việc các thí sinh phải phát triển một sản phẩm công nghệ trong thời gian ngắn, cạnh tranh về tốc độ, độ sáng tạo và tính hoàn thiện của ứng dụng, nhằm giải bài toán được cuộc thi đặt ra. Theo thông tin từ BTC, các nhóm có thể lựa chọn bất kỳ công nghệ nào miễn là nó giải quyết tốt bài toán đặt ra và thuận lợi nhất cho người dùng, cho nhóm khi phát triển. Các ngôn ngữ lập trình sử dụng đa dạng, như: Java, C#.Net, PHP, Python…
Minh Văn