Thật may đã không bỏ lỡ Bản tin Mentor FUNiX, để được tham gia buổi xDay (buổi offline của xTer và xMen) tháng 3 này. Trong không khí nắng mới lên, nhẹ nhàng thanh thoát sau chuỗi ngày dài mưa lạnh, ngồi nghe chị Nguyễn Thu Thủy – tác giả con đường gốm sứ – chia sẻ về nghệ thuật, về gốm sứ, tự nhiên nghĩ, làm IT cũng nâng lên tầm nghệ thuật được chứ nhỉ.
Khi nói đến nghệ thuật, người ta luôn hình dung ra một thứ gì đó rất đẹp đẽ, lung linh, truyền cảm hứng khi tiếp nhận nó, như một bài hát, một bức tranh, một bộ phim, đều có ý nghĩa của nó cả. Vậy thì, thiết kế một chức năng, làm một tài liệu yêu cầu, code một chương trình, viết một bản testcase, liệu có thể nói là một nghệ thuật được không. Tôi thấy có chứ, hoàn toàn có thể, bất cứ việc gì làm đều có nhiều mức độ, chấp nhận được và có nghệ thuật.
Nghe, nhìn chị Thuỷ chia sẻ, đã thấy đam mê sâu sắc với nghệ thuật gốm. Mọi thứ để đến được tầm nghệ thuật, đều cần đam mê, đều cần đau đáu bức xúc, để rồi làm sao nghĩ ra cách giải quyết bức xúc đó, từ đam mê của mình. Để có được ý tưởng về con đường gốm sứ, chị không ngồi một chỗ mà nghĩ ra được. Ý tưởng ấy của chị bắt nguồn từ bức xúc, rằng sao bức tường dài 4km ấy cũ kỹ xấu xí như vậy, làm sao để nó đẹp hơn. Rồi trong chuyến đi qua 8 nước châu Âu, qua những thành phố nổi tiếng thế giới về nghệ thuật, chị bất chợt gặp điều mình mong muốn, từ một điều rất đơn giản, nhưng lại rất nghệ thuật: những chiếc ghế trong công viên được trang trí bằng gốm ở Barcelona. Nếu không có kiến thức về gốm, nếu không quan sát sự trường tồn qua hàng nghìn năm một cách kỳ diệu của gốm ở Hoàng Thành, chị cũng không thể thấy được giá trị của những chiếc ghế đó.
Vậy chúng ta, những người làm IT, nghệ thuật ở đâu? Tôi không phải là dân lập trình, nhưng có một vài người đã cho tôi thấy, lập trình đến mức nghệ thuật là như thế nào. Một chương trình sau khi code, chạy được đúng và không có lỗi, đã là tốt rồi, nhưng nghệ thuật hay không thì lại cần việc sắp xếp các dòng code, thật ngắn gọn trong sáng mà lại tối ưu tốc độ. Với một chương trình nhỏ, tốc độ không được thể hiện nhiều, nhưng thử tưởng tượng trang web có hàng triệu người truy cập xem, nghệ thuật sẽ thể hiện ngay thôi.
Viết testcase thì nghệ thuật ở đâu? Chính là ở cách tổ chức thông tin, testcase chi tiết, hàng nghìn trường hợp, mỗi lần update nản lắm, vậy làm sao cho việc đó nhẹ nhàng hơn, cần phải nghĩ, phải đau đáu, phải trải nghiệm và sáng tạo ra những cách mới.
Viết tài liệu yêu cầu cũng nghệ thuật lắm nhé! Format tài liệu ấy, cũng là cả 1 nghệ thuật đấy, không phải ai cũng làm được đẹp đâu. Mang một tài liệu format lởm khởm, thò ra thụt vào lung tung gửi cho khách hàng, họ nhìn đã không muốn đọc rồi, nói gì đến ký. Thuyết phục khách hàng ư, có ai phản đối đấy là cả một nghệ thuật không? Thiết kế ứng dụng ấy mà, càng cần nghệ thuật. Nào cách bố trí màn hình, nào phối hợp màu sắc, nghệ thuật lắm. Nhưng, để đạt được cái nghệ thuật ấy, cần lắm sự đam mê, tìm tòi, học hỏi. Nhìn chị Thuỷ nói về đam mê của mình, và thuyết phục người khác bằng niềm tin, bằng đam mê đó. Nhìn thôi, nghe thôi đã thấy nhiệt huyết sâu sắc, niềm tự hào, tình yêu mãnh liệt với công việc của mình, và thành công luôn đi cùng với sự vất vả, khó khăn. Từ đam mê, chúng ta sẽ có động lực tìm kiếm giải pháp, tìm kiếm cách nâng cao công việc của mình, mọi lúc mọi nơi, từ những điều đơn giản bình thường nhất. Tôi luôn tin rằng, học tập không bao giờ là thừa, dù có khi học những thứ tưởng chừng như không liên quan đến công việc hiện tại, thì một lúc nào đó cũng sẽ giúp ích cho mình, và điều đó đã luôn chứng minh trong công việc của tôi.
Trên đường về, tôi quyết định sẽ tìm lớp học vẽ, chẳng biết sẽ có được gì, cũng có thể là chỉ học cách thể hiện những suy nghĩ trong đầu mình, nhưng có cảm hứng học vậy thôi. Làm việc là luôn phải sáng tạo, và sáng tạo chính là nghệ thuật, nhỉ?
Mentor Nguyễn Hồng Vân – Công ty hệ thống thông tin FPT (FPT IS)