banner

Thỏa mãn niềm đam mê “truyền lửa”, khởi nghiệp không mất quá nhiều vốn và giúp hàng ngàn sinh viên có việc làm trong ngành lập trình là ba lợi ích mà mentor nhận được khi bắt tay cùng FUNiX triển khai xSchool.

Đây cũng chính là nội dung trao đổi xuyên suốt xMen Meetup tháng Tư diễn ra vào ngày 21/4 và 26/4 tại Hà Nội và TP. HCM.

Là một dự án thuộc FUNiX Education ra đời vào 13/1, xSchool được thiết kế để cung cấp những kiến thức cơ bản và kỹ năng thực tiễn để đào tạo một lập trình viên chuyên nghiệp trong vòng một năm. Chương trình được dạy và học theo phương pháp kết hợp giữa học online và offline. Mô hình ra đời với mong muốn đơn giản hóa quy trình học, giảm gánh nặng về đầu tư, chương trình, đội ngũ, cơ sở vật chất. Người có nguyện vọng có thể học được mọi lúc mọi nơi, học để làm việc được. Việc đào tạo lập trình viên sẽ phổ cập, có thể làm được ở mọi nơi, chỉ cần có người học.

Tại Hà Nội, buổi chia sẻ diễn ra tại quán cà phê xCorner (tầng 0, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội) với sự tham gia của hơn 20 mentor của ĐH FUNiX và một số đối tác của dự án xSchool. Giới thiệu về mô hình xSchool, anh Nguyễn Thành Lâm – Giám đốc FUNiX HCM – Trưởng dự án chia sẻ, việc quan trọng và thử thách nhất của dự án là tuyển sinh và xây dựng đội ngũ giảng viên (mentor). Tuy nhiên, mỗi người khi triển khai ở địa phương mình sẽ có một tập đối tượng tuyển sinh riêng, cũng như quan điểm đào tạo và mạng lưới việc làm mà mentor kết nối cho sinh viên của mình. xSchool hiện đã được triển khai tại Quy Nhơn với số lượng 20 học viên. Dự kiến, xSchool sẽ mở rộng tất cả các tỉnh của Việt Nam. Chương trình cũng chuẩn bị được triển khai ở Hòa Lạc, TP HCM, Thái Bình trong thời gian tới.
Đánh giá nội dung về xSchool rất độc đáo, anh Nguyễn Minh Phương – Trưởng Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp, ĐH Công nghiệp HN (áo trắng)– cho biết: “Điều thú vị nhất anh thấy ở mô hình xSchool chính là cơ hội hợp tác”. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của buổi offline, anh chưa có được những thông tin cụ thể như mức phí, khung chương trình chung… Theo anh Phương, có được những thông tin mấu chốt này thì việc triển khai tại các địa phương sẽ khả thi hơn nhiều.
Còn về phía mình, mentor Nguyễn Văn Tuấn (đang nói) nhìn nhận xSchool chính là một xu hướng giáo dục tương lại, dần loại bỏ các thầy giáo đứng lớp. Nhen nhóm triển khai mô hình này ở quê hương Thanh Hóa của mình, anh Tuấn chia sẻ: “Mình dự kiến sẽ phát triển bằng cách đào tạo các thầy giáo cắm bản”. Trong phần tranh luận về cách thức dạy để đào tạo một người chưa biết gì trở thành lập trình viên, anh Tuấn cũng thể hiện quan điểm: “Chẻ nhỏ các vấn đề để dạy. Cụ thể hóa các tình tiết thành các bài tập nhỏ” để để sinh viên có thể hiểu kiến thức, áp dụng giải quyết được các vấn đề.
“Ý tưởng xSchool hay và việc trao đổi của mọi người cũng rất thú vị” là đánh giá của Mentor Nguyễn Hồng Vân – Business Solution Manager – FPT IS về buổi offline xMen Meetup tháng 4. xSchool là mô hình, theo chị, rất tốt để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực đang thiếu ở bất cứ đâu, bao gồm cả FPT IS nơi chị đang công tác. Chưa được tiếp cận với giáo trình nên chị cũng có ít nhiều băn khoăn về chất lượng đầu ra. Tuy vậy, chị Vân nhận định xSchool là một hướng rất hay cho những người yêu nghề dạy, bởi nó rất khuyến khích tính sáng tạo, yêu nghề. “Có lẽ lúc nào định mở xSchool tại địa phương, mình sẽ contact để hỏi thêm sâu hơn”, chị cho biết.
Tham gia buổi off cùng với ông xã – người đồng hành cùng cô trong việc triển khai xSchool tại quê hương Sơn Tây, mentor Lê Cát Tiểu Giang – giảng viên CNTT Tập đoàn CMC – cho biết, thời gian xSchool của mình mở cửa tuyển sinh chỉ tính bằng ngày. Chuẩn đầu ra của ngôi trường của bạn chỉ đơn giản: Sinh viên ra trường là có việc làm. Tuy nhiên, lộ trình của mentor Giang khá dài hơi khi mong muốn, sinh viên sẽ đi cùng bạn trong cả một đoạn đường 8 Chứng chỉ. “Không chỉ cung cấp kiến thức đủ để có một việc làm mà tôi còn mong muốn trang bị cho sinh viên các chuẩn khác về kỹ năng mềm, ngoại ngữ…”, Giang nói.
Nhìn nhận đây là một mô hình rất thiết thực và có hiệu quả nhanh khi tiết kiệm rất nhiều thời gian cho cả người lao động và doanh nghiệp, mentor Đỗ Thị Tú Anh, PGĐ thường trực của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp – phân tích: “Doanh nghiệp sẽ không phải chờ 4,5 năm mới có lập trình viên ra trường để làm việc cho mình nữa. Và đặc biệt, nhiều bạn trẻ ở các vùng nông thôn cũng có cơ hội được học lập trình ngay tại quê hương và có việc làm ổn định mà không mất quá nhiều thời gian, chi phí”.
Cũng tham gia buổi chia sẻ này, mentor Bùi Quang Hiếu – Team Lead FPT Software (ngồi đầu tiên, bên phải), cho biết: “Hiện tại, tôi đang có một xSchool của riêng mình với 185 học viên. Trong đó có 30% là học sinh cấp 2, cấp 3; 30% là sinh viên ĐH và 40% là người đã đi làm muốn chuyển ngành sang lập trình. Với tôi, học xong là sinh viên phải có việc làm. Học xong mà không đi làm được là hỏng. “Về thời gian thì chỉ cần 4-5 tháng là ok”, anh Hiếu nói.
xMen Meetup là gì sự kiện được triển khai định kỳ hằng tháng, ở Hà Nội và TP. HCM. Nội dung trao đổi tại Mentor Meetup không chỉ là các vấn đề công nghệ mà sẽ là nhiều mặt của đời sống, như văn hóa, nghệ thuật, thể thao… Chương trình hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển cộng đồng mentor gắn kết, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới, hoàn thiện kỹ năng, bắt kịp xu thế công nghệ và thỏa mãn đam mê trong nhiều lĩnh vực.

Minh Văn