Học trực tuyến không phải hình thức học tập xa lạ, bởi một số trường học, trung tâm giáo dục đã áp dụng phương pháp này vài năm trở lại đây. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với các doanh nghiệp triển khai hình thức học E-Learning và thi trực tuyến, như cuộc thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-Learning” năm học 2009-2010; thi giải toán qua mạng tại website violympic.vn; cuộc thi Olympic tiếng Anh trên mạng xã hội…
Song song, sự phát triển của các ứng dụng trên nền tảng di động, mạng xã hội giúp người dùng dễ dàng tương tác mọi lúc mọi nơi, đã tạo điều kiện cho giáo dục trực tuyến phát triển lên bậc cao hơn.
Theo thống kê của University World News vào năm 2017, Việt Nam đứng trong top 10 châu Á bắt kịp và phát triển mạnh đào tạo trực tuyến. Cũng trong năm này, số liệu của Ambient Insight cho thấy, tốc độ tăng trưởng học trực tuyến của Việt Nam xếp cao nhất, với 44,3%, cao hơn 4,9% so với Malaysia.
Từ đầu năm nay, đại dịch lan rộng khiến toàn dân phải thực hiện giãn cách xã hội; học sinh, sinh viên không thể đến trường, dẫn tới nhiều xáo trộn trong việc giảng dạy và học tập. Nhiều trường học chưa từng giảng dạy trực tuyến, thì nay đã nhanh chóng ứng dụng mô hình. Thầy, cô giáo làm quen với giáo án điện tử, tương tác mỗi ngày với học sinh qua màn hình máy tính, điện thoại.
Tại một số địa phương vẫn thiếu thốn cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy online, một bộ phận học sinh chưa đủ điều kiện sắm thiết bị học tập từ xa. Các thầy cô cũng gặp khó khi đánh giá chất lượng, kiểm tra từng học sinh. Hoặc vấn đề tự học của các em đặt ra thách thức…
Câu hỏi đặt ra là việc học online có thực sự hiệu quả so với phương pháp dạy học truyền thống? Liệu giáo dục trực tuyến có thể trở thành hình thức học mới như một phần của chương trình dạy chính hay không? Chiến lược phát triển phương pháp giảng dạy cần theo hướng nào?… Đây là những chủ đề sẽ được đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các chuyên gia bàn thảo tại tòa đàm “Phát triển giáo dục trực tuyến tại Việt Nam”, sẽ diễn ra vào 9h sáng 10/6, được phát sóng trên VnExpress.
Chương trình có sự góp mặt của ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ góc độ cơ quan quản lý giáo dục, ông Hải sẽ phân tích việc triển khai công nghệ trong giảng dạy và học tập tại các địa phương trên cả nước; thách thức, cơ hội phát triển hình thức này trong tương lai.
Diễn giả Nguyễn Thành Nam – Nhà sáng lập FUNiX thuộc Tổ chức Giáo dục FPT cũng tham gia sự kiện. Phương pháp đào tạo FUNiX Way do đơn vị phát triển cho phép sinh viên học tập trên nền tảng trực tuyến, với sự đồng hành của đội ngũ mentor là các chuyên gia trong ngành. Hiện phương pháp này được triển khai tại nhiều trường học trong và ngoài nước, với hơn 5.500 sinh viên nhiều lứa tuổi và hơn 3.000 mentor.
Tọa đàm còn có sự tham gia của 2 chuyên gia giáo dục đến từ Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khánh, Nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Công nghệ giáo dục, Đại học Oulu (Phần Lan). Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương, Phó giám đốc Mạng lưới Giáo dục của AVSE, hiện nghiên cứu tại Đại học Geneva (Thụy Sĩ).
Với kinh nghiệm tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại những nền giáo dục tiên tiến, các chuyên gia sẽ bàn luận sự khác biệt của phương pháp giảng dạy trực tuyến so với các nước; đề xuất những chính sách, chiến lược nhằm đem lại hiệu quả cho hình thức giảng dạy online trong thời gian tới.
Độc giả có thể đặt câu hỏi cho các diễn giả tại phần bình luận phía dưới.
Minh Chi