Quỳnh Anh (ghi)
Trong khoảng 1h giao lưu trực tuyến với khán giả trên Fapage FUNiX, Chủ tịch FPT Software đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị về ngành Công nghệ thông tin, cơ hội nghề nghiệp tại FSoft cũng như những lời khuyên bổ ích cho các lập trình viên Việt muốn thành công trong nghề.
Dưới đây là một số nội dung hỏi – đáp của anh Hoàng Nam Tiến trong chương trình.
Câu hỏi: Anh đánh giá như thế nào về chất lượng nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam?
Anh Hoàng Nam Tiến: Trên thực tế phần lớn những người làm ở FSOFT (trong môi trường toàn cầu), đều học ở Việt Nam như ĐH bách khoa, ĐH FPT, ĐH Công nghệ, ĐH Khoa học Tự nhiên, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện bưu chính Viễn thông. Điều đó cho thấy các trường ĐH việt nam đào tạo ra đội ngũ làm được việc. Tuy nhiên tỉ lệ đó không cao.
Theo thống kê của chúng tôi, mỗi năm tất cả các trường Đại học – Cao đẳng ở Việt Nam đào tạo khoảng 43 nghìn nhân sự liên quan đến CNTT, nhưng trong só đó có khoảng 9 – 15 nghìn có thể làm việc trên môi trường toàn cầu, tức là đáp ứng được cả về chuyên môn, ngoại ngữ.
Câu hỏi: Nhân sự CNTT của Việt Nam còn thiếu những kỹ năng gì, theo anh?
Anh Hoàng Nam Tiến: Quá trình sử dụng nhân sự từ khắp nơi trên thế giới, Nhật, Pháp, Mỹ, Singapore, Ấn Độ… và Việt Nam, thì chúng tôi nhận thấy, điểm yếu chung của các nhân sự Việt khi mới ra trường là được đào tạo khá cẩn thận về chuyên môn nhưng lại thiếu kỹ năng làm việc trong môi trường công nghiệp phần mềm (software industry); rất khó làm việc trong một tập thể đủ lớn. Ví dụ: các bạn có thể lập trình nhưng… không ai hiểu được; lập trình được xong nhưng không có hướng dẫn , giải thích, không có thực tế… nên không dùng được.
Một điều rất dở với các bạn Việt Nam mình đó là làm được nhưng không biết trình bày, thậm chí làm tốt vẫn trình bày rất yếu vì 2 thứ chính: Thiếu ngoại ngữ và do ảnh hưởng từ nền giáo dục một chiều truyền thống. So với các nước xung quanh khu vực, sinh viên thường phải tự trình bày, bảo vệ, tranh luận rất nhiều trong quá trình học nên kỹ năng của họ tốt hơn sinh viên Việt.
Ngoài ra thì kỹ năng teamwork – hay làm việc nhóm, làm việc trong một đơn vị lớn, nhiều người cũng chưa tốt.
Câu hỏi: Anh cũng từng trải qua giai đoạn tân sinh viên khi vào FPT vậy anh có lời khuyên gì giúp các bạn trẻ khắc phục những điểm yếu này?
Anh Hoàng Nam Tiến: Thú thực tôi là một trong những kĩ sư lập trình bất tài. Ngay khi vào FPT thì tôi đã không lập trình. Vì hồi đó tôi học về trí tuệ nhân tạo và được học rất cẩn thận. Tuy nhiên ngôn ngữ tôi thành thạo thì khi ra trường lúc đó chẳng ai dùng!
Tôi đã không có ngày nào được làm phần mềm với ý nghĩa thật sự. Khi mới vào FPT thì tôi đi lau máy tính, bê máy tính, bê máy in cho các đội dự án.
Câu hỏi: Anh đánh giá như thế nào về lợi thế của nguồn nhân lực CNTT Việt Nam?
Anh Hoàng Nam Tiến: Trong một cuộc họp cấp tập đoàn mới đây, Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình cũng hỏi tôi chính câu hỏi này. Tôi xin trả lời, là khi ra toàn cầu, chúng tôi nhận ra một điều, nếu ta cứ cạnh tranh với các nước, đặc biệt Trung Quốc, Ấn Độ, Philippin bằng thứ vũ khí cũ như kỹ năng lập trình, testing… thì chúng ta sẽ có khoảng cách quá lớn so với họ, vì họ đi trước, họ nhiều kinh nghiệm hơn ta. Và thực tế, giá lập trình viên như ở Ấn Độ rẻ hơn giá lập trình viên Việt Nam. (GDP của Ấn là 1700 USD/người, còn GDP Việt Nam hơn 2000 USD)
Song, khi ra toàn cầu, nếu chúng ta sẵn được những kiến thức đang là xu thế của thế giới như Cloud Computing, AI, big Data, Robotic… – nếu chúng ta thực sự tập trung học hỏi, và có một ngoại nữ tốt thì ta sẽ có lợi thế hơn họ. Có lẽ đây là lợi thế của người đi sau.
Vì vậy, các bạn trẻ theo ngành CNTT, ngoài kiến thức cơ bản hãy tập trung học thật nhanh những kiến thức mới để có lợi thế cạnh tranh đặc biệt khi tham gia lao động.
Câu hỏi: Sao anh tuyển nhiều “quân” thế? Có bao giờ anh định đuổi bớt đi mà vẫn tăng doanh thu, lợi nhuận không?
Anh Hoàng Nam Tiến: Tôi xin chia sẻ thật: 6 tháng đầu năm FPT Software tuyển 2400 người, dự kiến năm nay chúng tôi tuyển mới khoảng 5000 người. Nhưng cả nghìn người sẽ phải rời FSoft, trong đó chiếm khoảng 50% ko chịu nổi hoặc không áp ứng được yêu cầu làm việc ở đây. Nhiều nhân viên phải rời FSoft trong vòng 6 tháng đến 1 năm làm việc, có thể do một phần lỗi của chúng tôi trong khâu lọc tuyển dụng, khả năng đào tạo nhân viên nhưng cũng phải kể đến nguyên nhân là nhiều bạn… kém thật.
Tôi biết nhiều sinh viên còn mơ mộng nhiều khi vào môi trường của chúng tôi. Tuy nhiên FSofs là môi trường cạnh tranh toàn cầu, đỏi hỏi những chuẩn mực cao hơn các môi trường làm việc trong nước như ngoại ngữ hay các kỹ năng… mà tôi đã nhắc đến ở trên.
Câu hỏi: Anh có thể chia sẻ cơ hội làm việc và phát triển nghề nghiệp tại FPT Software cho các bạn sinh viên mới ra trường?
Ngoài việc biết 1 ngôn ngữ lập trình, nếu các bạn có tiếng Anh khoảng 7.0 (IELTS), hoặc có ngay một ngoại ngữ, chắc chắn các bạn sẽ được tuyển dụng vào FSoft.
Nếu các bạn có thêm một hoặc vài certificate (chứng nhận) như chứng nhận về AI, big Data hay Robot… từ Microsoft, Amazon… chẳng hạn thì thì lương còn cao nữa.
Tôi cũng khuyên các bạn nên học thêm các ngôn ngữ lập trình như C, C++, Python. Đặc biệt tôi rất rất khuyên các bạn học thêm C, C++ để được trọng dụng tại FSoft.
Câu hỏi: Anh có thể chia sẻ một vài câu chuyện về sự thất bại hay bước “lùi” để đạt được những kết quả mong muốn trong công việc của mình?
Anh Hoàng Nam Tiến: Tôi gặp một loạt thất bại tại FPT, nghĩ lại tôi thấy bắt đầu đều từ “tham”, khi tham thì ta thiếu sáng suốt, khó có bước đi đúng đắn.
Ví dụ cách đây hơn 10 năm chúng tôi kinh doanh về máy tính, điện thoại, đã gặp nhiều thất bại, mỗi vụ mất cả triệu đô la Mỹ. Sau mỗi lần như vậy, tôi cũng rút được kinh nghiệm, bớt tham đi, chấp nhận cái lợi làm ra phải chia đều cho cả mình, đối tác, khách hàng… thì sẽ dễ thành công hơn.
Câu hỏi: Anh nghĩ sao về cơ hội trong ngành lập trình với những người trên 40 tuổi?
Tôi cho rằng, nghề lập trình thực sự rất vất vả, với những ng học lập trình trên 40 nếu để cho vui, giải trí, hay sáng tạo… thì tốt thôi. Nhưng nếu học để bắt đầu hành nghề, kiếm tiền… thì có lẽ hơi muộn. Vì không chỉ Việt Nam mà ở các nước, đây là nghề thường xuyên phải làm việc đến 14 tiếng/ ngày, thường xuyên OT (over time), nhất là khi chuyển giao dự án, thì việc thức khuya làm đêm hôm là rất bình thường.