banner

Coronavirus đang gây ra một cơn địa chấn chưa từng có cho nền giáo dục toàn cầu, làm đóng cửa một loạt trường học, tạo thách thức lớn trong việc đảm bảo việc học không gián đoạn cho học sinh. Trong bối cảnh đó, buổi webinar với chủ đề “Covid-19 đang biến đổi nền kinh tế và lực lượng lao động như thế nào – Xu hướng và Thay đổi trong Giáo dục đại học” đã tạo một không gian cho các nhà giáo dục toàn cầu để trao đổi kinh nghiệm về cách đối phó cũng như chia sẻ cái nhìn về tương lai của giáo dục đại học hậu Covid.

Sự kiện có bài trình bày của đại diện bốn tổ chức giáo dục: Giáo sư Khalid Yusoff – Hiệu trưởng trường đại học UCSI (Malaysia), Giáo sư Michaela Rankin – Hiệu phó trường đại học Kinh doanh Monash (Australia), bà Nazima Canda – Giám đốc Quan hệ Quốc tế – Đại học CNTT EPITA (Pháp), và Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam – Cựu CEO của tập đoàn FPT, Nhà sáng lập và Chủ tịch FUNiX (Việt Nam).

GS Khalid – Hiệu trưởng UCSI có bài trình bày mở màn sự kiện

Đại học thời Covid – Khó khăn và giải pháp

Đại diện UCSI, Monash, và EPITA – ba trường đại học với cách dạy truyền thống thừa nhận cả ba đều phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch. Toàn bộ các hoạt động dạy học trực tiếp đều phải dừng lại. Tại EPITA, ký túc xá bị đóng cửa đột ngột đã gây khó khăn lớn cho một số sinh viên trong việc tìm kiếm chỗ ở. Đồng thời, việc đóng cửa biên giới đã khiến cho 400 sinh viên đang thực hiện các kỳ thực tập tại nước ngoài bị mắc kẹt ở ngoài nước Pháp.

Bà Najima Canda chia sẻ về ảnh hưởng của Covid-19 đến đại học EPITA

Để đảm bảo việc học tập của sinh viên không bị gián đoạn, cả ba trường đều đã chuyển toàn bộ các hoạt động dạy học sang online. Thậm chí tại Monash, không chỉ việc học mà các hoạt động khác của nhà trường đều được thực hiện qua internet, ví dụ như hội chợ các câu lạc bộ sinh viên, chương trình định hướng cho sinh viên mới, lớp dạy tập gym, dạy chăm sóc bản thân.

Việc chuyển dịch chương trình học từ thực tế sang online vấp phải không ít trở ngại, trong đó phải kể đến khoảng cách số (khác biệt trong khả năng tiếp cận với các công nghệ số như Internet) đã gây ra bất bình đẳng giữa các sinh viên trong việc tiếp cận với bài giảng và các tài liệu học tập. Ví dụ, tại EPITA, nhiều sinh viên từ châu Phi không thể nghe giảng online do không có Internet. Ngoài ra còn các vấn đề khác như sự phản đối của các giáo sư, vốn ngại ngần với việc dạy học qua máy tính, khác biệt múi giờ, giữa sinh viên và giảng viên, v.v. Bên cạnh đó, một số ngành như kỹ thuật, y khoa cũng không thích hợp để hoàn toàn giảng dạy online.

Học online – không thể thiếu trong nền giáo dục tương lai

Bất chấp các rào cản, thay đổi này cũng mang lại không ít điểm sáng: Tại UCSI, cả giáo viên lẫn sinh viên đều tích cực đón nhận, thậm chí các em còn đặt nhiều câu hỏi hơn, sẵn lòng giao lưu 1:1 hơn với thầy cô. Giáo sư Khalid đưa ra giả thiết có thể do sinh viên châu Á có phần rụt rè, nên việc tiếp xúc qua thế giới ảo giúp các em ít áp lực hơn, thoải mái hơn trong việc bày tỏ ý kiến bản thân và tiếp xúc với giáo viên. Bên cạnh đó, giáo sư Rankin từ đại học Monash cũng dự đoán, thói quen học và làm việc online sẽ mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ. Một khi các công ty tích cực đón nhận mô hình làm việc từ xa, tập trung vào kết quả thay vì quá trình làm việc, sẽ dễ dàng hơn cho phụ nữ để được ghi nhận tại cơ quan mà vẫn có thể hoàn thành trách nhiệm với gia đình.

GS Rankin từ Monash dự đoán thói quen làm việc online sẽ mang lại nhiều lợi ích cho lao động nữ

Là diễn giả cuối cùng, tiến sĩ Nguyễn Thành Nam đưa ra một góc nhìn mới từ phía một trường học online. Trái ngược với UCSI, EPITA, và Monash, nhịp học tập thi cử mùa Covid tại FUNiX còn có phần sôi động hơn thường lệ, do học viên có nhiều thời gian hơn cho chương trình. Đại dịch đã làm nổi bật ưu thế của việc học online so với mô hình giảng dạy truyền thống: sinh viên có thể hoàn toàn chủ động về tiến độ học tập bất chấp các điều kiện ngoại cảnh.

Tiến sĩ Nam cũng giải thích về FUNiX Way – sinh viên học tập về CNTT với tài liệu từ những trường đại học hàng đầu thế giới với sự đồng hành từ Mentor là các chuyên gia IT giàu kinh nghiệm. FUNiX way không chỉ trang bị cho sinh viên kỹ năng kiến thức trong ngành mà quan trọng hơn, rèn luyện cho các bạn khả năng tự học – tài sản vô giá sẽ đi cùng các bạn trong suốt chặng đường sự nghiệp.

TS Nguyễn Thành Nam giải thích sự khác biệt giữa FUNiX và các trường học truyền thống và online khác

Các diễn giả đều nhận định học online chắc chắn sẽ đóng một vai trò to lớn hơn trong tương lai, khả năng cao sẽ tồn tại song song với dạy học trực tiếp trong một mô hình kết hợp. Họ cũng thống nhất rằng vai trò của nhà giáo dục (educator) như người nắm giữ tri thức đã không còn thích hợp trong thế kỷ 21, khi mà người học có thể dễ dàng tiếp cận với kiến thức chỉ bằng vài cú click chuột. Thay vào đó, họ cần đóng vai trò dẫn dắt người học tự tìm kiếm và khai phá tri thức.

Kết thúc cuộc thảo luận, bốn diễn giả đều bày tỏ hy vọng sự phổ biến của việc học tập và làm việc online sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn giữa các trường đại học, cùng xây dựng một nền giáo dục chất lượng hậu khủng hoảng.

Vân Nguyễn