banner

Chương trình là cuộc đối đầu nảy lửa giữa các xTer Nguyễn Minh Thành, Trần Minh Đăng, Chu Mai Linh trong team ủng hộ và Nguyễn Trương Mạnh Quân, Phạm Văn Dương, Đào Thị Loan Loan của đội phản đối.

Trong khi team ủng hộ đưa ra các luận điểm về các mặt kinh tế, xã hội của vấn đề thì team phản đối tập trung nhiều hơn vào tình thương, lòng trắc ẩn cho nhóm người dễ bị tổn thương này.

Sau một trận đấu kéo dài 90 phút mà chính người chơi đánh giá là có nhiều màn “lật kèo” còn hơn Euro, team ủng hộ đã được cả khán giả và BGK bình chọn là nhà vô địch.

Hãy cùng theo dõi “diễn biến” trận đấu qua chùm ảnh này nhé!

Ở vị trí A1, xTer Trần Minh Đăng có nhiệm vụ trình bày toàn bộ phiên tranh biện của bên Ủng hộ. Đăng đưa ra 4 luận điểm

  1. Việc cho tiền người ăn xin nơi công cộng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến lòng tin xã hội, do thời gian qua truyền thông đã đưa tin rộng rãi về những đường dây ăn xin có tổ chức.
  2. Có những cách hiệu quả hơn để giúp đỡ người ăn xin, ví dụ như giới thiệu họ đến những tổ chức xã hội, từ thiện – sự hỗ trợ này vừa tận tình lại có thể mang lại sự hỗ trợ triệt để hơn.
  3. Nếu không thể xin tiền thì những người ăn xin sẽ bắt buộc phải dùng sức lao động kiếm sống, không còn có cơ hội lười biếng.
  4. Việc cho tiền người ăn xin vô hình chung cổ vũ cho tình trạng ăn xin đông đảo ở nơi công cộng, làm mất mỹ quan và ảnh hưởng đến văn minh đô thị.

Khác hẳn với phong cách điềm tĩnh, chậm rãi của Minh Đăng, “em út” của chương trình Nguyễn Trương Mạnh Quân (sn 2008) lại mở màn cho đội phản đối một cách đầy mạnh mẽ, nhiệt huyết. Quân dứt khoát phản bác lại các luận điểm của đội bạn:

  1. Không phủ nhận sự tồn tại của những “đường dây ăn xin”, Quân cho rằng “Thà giúp nhầm hơn bỏ sót, 10 lần mình nhầm nhưng giúp đúng 1 lần là tốt rồi, lòng tốt là cho đi, không cần nhận lại
  2. Nếu không cho tiền những người ăn xin trong đường dây, liệu chúng ta có thể đảm bảo họ không bị những kẻ chăn dắt đánh đập, hành hạ hay không?
  3. Nhiều quốc gia phát triển hơn Việt Nam đều có người ăn xin, ví dụ như Mỹ cứ 106 người thì có 1 người ăn xin, trong khi ở tỉ lệ này ở Sài Gòn là 280:1. Vì vậy không thể đánh đồng sự hiện diện của người ăn xin với trình độ phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, Quân cũng đưa ra những luận điểm của đội mình:

  1. Tiền là phương tiện tối ưu nhất để giúp đỡ người ăn xin, do tính linh động trong mọi vấn đề, có thể quy đổi ra mọi thứ hoặc dùng tạo quỹ dự phòng cho bản thân.
  2. Phần lớn người ăn xin thuộc về đối tượng dễ bị tổn thương, nếu không thể kiếm tiền thì dễ bị những kẻ chăn dắt ép buộc vào con đường phạm tội như ăn cắp, vận chuyển hàng cấm.
  3. Cho tiền người ăn xin, qua đó khiến họ xuất hiện nơi công cộng giúp họ dễ được nhận ra và nhận sự giúp đỡ từ mọi người, phù hợp với tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.

Ở vị trí A2, xTer Chu Mai Linh có nhiệm vụ phản biện Mạnh Quân và ủng hộ, bổ sung bằng chứng cho các luận điểm đồng đội Minh Đăng đã đưa ra:

  1. Đội ủng hộ không hề nói rằng nước phát triển thì không có người ăn xin.
  2. Chúng ta không cần cho người ăn xin phương tiện tối ưu nhất – tiền, mà chỉ cần cho họ thứ để đảm bảo cuộc sống như lương thực, quần áo.
  3. Nếu chúng ta đã biết có việc chăn dắt ăn xin tồn tại mà vẫn cho tiền thì có nghĩa là đã cổ xúy vấn nạn này. Khi không kiếm được tiền từ người ăn xin nữa thì những kẻ chăn dắt khắc thả họ đi.
  4. Giúp nhầm hơn bỏ sót, nhưng không thể để tình trạng quá nhiều người “giúp nhầm” dẫn đến có người ăn xin có thu nhập cả trăm triệu, như phóng sự VTV24 phản ánh. Điều này có thể khiến nhiều người không muốn tự lao động nữa, bỏ cả lòng tự trọng để đi ăn xin.

Tiếp nối Minh Quân, “lính mới” với xDebate Phạm Văn Dương tiếp tục củng cố các luận điểm của team phản đối:

  1. Không đồng ý với quan điểm “thay vì cho tiền cho thứ họ thiếu” của đội bạn, Dương cho rằng người ăn xin thiếu thốn nhiều thứ, chúng ta không thể giúp đỡ hết, trong khi có tiền thì có thể đổi ra mọi thứ. Hơn nữa, nếu cho tiền thì họ sẽ có thể dự trữ cho những tình huống tương lai.
  2. Chúng ta không thể chắc chắn những kẻ chăn dắt sẽ thả người ăn xin đi một khi không thể bòn rút tiền từ họ. Ngược lại, do đã bị biết mặt, biết nơi ở, nên rất có thể chúng sẽ không thả mà ép buộc họ đi vào con đường phạm tội. Vì vậy, cho tiền là cách bảo vệ tạm thời đối tượng yếu thế này trước khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng.
  3. Cho tiền người ăn xin nơi công cộng giúp họ được nhận diện, đồng thời có thể giáo dục con trẻ về tình thương và những giá trị nhân văn tốt đẹp.

Chốt màn trình bày của đội ủng hộ, anh cả Nguyễn Minh Thành phản bác mạnh mẽ những luận điểm của đối thủ:

  1. Phần lớn người ăn xin là các đối tượng yếu thế như người khuyết tật, người già..thì khó mà bị ép đi ăn cướp hay vận chuyển hàng cấm được.
  2. Thành cũng không đồng ý với quan điểm cho tiền người ăn xin có thể bảo vệ họ tạm thời. Thực tế nếu đem về ít tiền thì họ vẫn có khả năng bị đánh đập.
  3. Cho tiền không thể giải quyết mối lo lâu dài của người ăn xin, trong trường hợp bị chăn dắt thì tiền cũng sẽ chủ yếu rơi vào túi những kẻ chăn dắt.
  4. Có nhiều cách khác tốt hơn là cho tiền người ăn xin để dạy trẻ con về tình thương và lòng tốt.

Bên cạnh đó, xTer chỉ trích những dẫn chứng của đội bạn là không lấy từ nguồn chính thống và do đó không thể tin tưởng.

Vừa mới dự khai giảng vào tuần trước, cô bạn Đào Thị Loan Loan đã kịp ghi dấu tại xDebate trong vai trò người “chốt hạ” của team phản đối.

Loan lập luận rằng không có cách giúp đỡ nào là hoàn hảo, lựa chọn nào cũng có những ưu nhược điểm riêng, nhưng việc cho tiền người ăn xin sẽ mang lại 3 giá trị: Giá trị nhân đạo khi chúng ta giúp đỡ họ duy trì cuộc sống vốn có, chứ không phải đề cao những hình ảnh văn minh bề nổi; Giá trị giáo dục cho thế hệ sau về sự san sẻ và lòng bao dung; Giá trị lan tỏa về tình thương để giúp xã hội tốt đẹp hơn.

Dù đội phản đối đang ở thế yếu nhưng màn trình bày bình tĩnh, mạch lạc của Loan Loan rất được khán giả cổ vũ và đánh giá cao.

Với màn thể hiện xuất sắc, đội ủng hộ đã được giám khảo và 70% khán giả lựa chọn là đội thắng cuộc, giành chiến thắng chung cuộc và tuyệt đối trong trận đấu.

Mentor Võ Tôn Phúc người chủ trì chương trình đánh giá rằng đội phản đối đã lựa chọn một chiến lược không hiệu quả. Anh cho biết các chủ đề tranh biện thì thường liên quan đến việc giải quyết những vấn đề về đạo đức hoặc chính trị, xã hội. Đội phản đối định hình chủ đề lần này trong phạm trù đạo đức với những lập luận về tình thương, lòng nhân hậu…là đã tự bó hẹp bản thân và khiến những lập luận của mình có vẻ cảm tính. Anh cho rằng nếu định hình chủ đề này như một vấn đề về kinh tế, xã hội, đặt ra những câu hỏi như “Tại sao người ta phải đi ăn xin?”, “Có cách nào để giải quyết tận gốc nguyên nhân này không” thì đội sẽ có phần thắng cao hơn.

x-Debate là họat động rèn luyện kỹ năng tranh biện dành cho tất cả học viên FUNiX, là cơ hội để các học viên được giao lưu, học hỏi lẫn nhau. xTer cần tham gia x-debate ít nhất 1 lần trong 1 chứng chỉ.

x-Debate được tổ chức online qua zoom vào 20h thứ 5 tuần 2 và tuần 4 hàng tháng,

Mỗi cuộc tranh biện gồm: Đội ủng hộ (Affirmative – A) gồm 3 người; Đội phản đối (Negative – N) gồm 3 người; Host; Giám khảo và Khán giả.

Cuộc tranh biện gồm 2 phần chính đan xen nhau: Phần nói của thành viên mỗi đội; Phần hỏi đáp giữa đại diện của mỗi đội. Chi tiết nội dung một buổi x-Debate: shorturl.at/jorzV

Giải thưởng dành cho đội thắng cuộc là 900,000 hiện kim

Vân Nguyễn