“Lập trình & Tự động hoá trong sản xuất đồ gỗ” là câu chuyện mà mentor Hoàng Giang – Trưởng phòng kỹ thuật, công ty TNHH Woodsoft Việt Nam sẽ chia sẻ cùng sinh viên FUNiX. Với hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực này, anh Hoàng Giang cho biết, với những người ngoài ngành, thì phần mềm sản xuất đồ gỗ tự động dường như khá mới mẻ. Thực tế, thị trường phần mềm sản xuất đồ gỗ cũng phong phú và cạnh tranh gay gắt, có cả phần mềm của Mỹ, Đức, Anh, Trung Quốc, Nga v.v…
Anh Giang cho biết, xuất khẩu gỗ (chủ yếu là gỗ công nghiệp chế biến từ rừng trồng có nguồn gốc rõ ràng) năm 2020 cán mốc gần 12,5 tỷ USD; so sánh với các ngành xuất khẩu nổi tiếng của Việt Nam như xuất khẩu sắt thép (5,26 tỷ USD); xuất khẩu thủy sản (8,6 tỷ USD); xuất khẩu gạo (3,07 tỷ USD), rõ ràng ngành gỗ có một tỷ trọng cao gấp nhiều lần.
“Tiềm năng của dòng sản phẩm này là đang và sẽ giúp ngành gỗ của Việt Nam tin học hóa, tự động hóa, bao gồm cả những xưởng nhỏ như ở các làng nghề Đồng Kỵ, Thạch Thất v.v… Mình hy vọng là ngành gỗ của Việt Nam sẽ hoàn thành công nghiệp 3.0 của mình một cách thực chất. Làm tiền đề để bước vào cách mạng công nghiệp 4.0.” – Anh Giang nói.
Với tư cách một người đi trước, một đồng nghiệp, anh Hoàng Giang mong muốn sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, suy tư về nghề nghiệp, giúp các bạn trẻ định hướng rõ hơn con đường sự nghiệp của mình.
Cho rằng lập trình đã và đang là một nghề dần trở nên “bình dân hóa”, tiến dần về lao động phổ thông, với giá trị và mức lương đã và sẽ ngày càng giảm, anh Giang khuyên các bạn trẻ muốn khẳng định mình cần phải làm được những thứ “không phổ thông”. Và tự động hóa là một trong những hướng đi như thế.
“Làm tự động hóa thì kỹ năng lập trình chỉ chiếm khoảng 50%, 50% còn lại là tri thức ngành mà mình làm tự động hóa: nghề sản xuất đồ gỗ, nghề sản xuất ô tô, nghề sản xuất sữa v.v… Cơ hội của sinh viên FUNiX cũng như của tất cả các sinh viên CNTT là hiện nay nghề lập trình tự động hóa chưa phải là lao động phổ thông, chưa có quá nhiều người làm” – anh nhận xét.
Như vậy, còn rất nhiều “cửa” cho các bạn nếu có hướng đi đúng đắn từ sớm để chuẩn bị nền tảng kiến thức, kỹ năng phù hợp cho mình, chớp lấy những cơ hội trong tương lai và tránh được sự đào thải của ngành.
Yêu thích và được tiếp cận với lập trình từ hồi cấp 3, anh Hoàng Giang đã quyết định thi vào Khoa CNTT, ĐH Bách Khoa Hà Nội. Sau này, anh đã bén duyên với FUNiX, và trở thành một mentor thân thuộc với nhiều thế hệ sinh viên đời đầu.
“Hồi đầu làm mentor trực tiếp, mình nhớ nhất có một bạn học viên là công nhân thủy điện ở Sơn La, vừa thi công công trình vừa tranh thủ học FUNiX Có đợt mưa lũ cả tuần không thấy bạn ấy online, mình cũng hơi lo không biết bạn ấy có bị ảnh hưởng gì không. Sau thấy bạn ấy online lại mình mới cảm thấy nhẹ nhõm” – anh nhớ lại.
Suốt thời gian làm mentor, anh chưa bao giờ cảm thấy buồn hay nản. Đối với anh, công việc mentor tại FUNiX thú vị, thân thuộc vì anh cũng quen với cách làm việc online. Nhờ làm mentor, anh có thêm nhiều mối quan hệ với các mentor khác, tham gia những hoạt động bổ ích của FUNiX như tham quan doanh nghiệp, startup cùng sinh viên, đồng nghiệp; có cơ hội chia sẻ kiến thức và cảm thấy trẻ trung hơn khi được làm việc cùng sinh viên; có nhiều kỷ niệm như những buổi uống bia cực vui với anh chị em FUNiX, và nhà sáng lập Nguyễn Thành Nam.
Để có thể giao lưu nhiều hơn với mentor Hoàng Giang, cũng như khám phá cách lập trình giúp ngành gỗ bước vào cuộc cách mạng 4.0 như thế nào, mời bạn hãy tham gia xTalk tuần này nhé:
- Thời gian: 20:00 – 21:00, Thứ 7, ngày 29/05/2021
- Hình thức: qua Zoom
- Meeting ID: 989 5648 5825
- Link tham gia: https://funix-edu-vn.
zoom.us/j/98956485825 - Diễn giả: Mentor Hoàng Giang – Trưởng phòng kỹ thuật, công ty TNHH Woodsoft Việt Nam.
Quỳnh Anh
Các sự kiện liên quan
Lộ diện các Sếp quyền lực tham gia Cơ hội cho ta mùa 3 – số 5
24/10/2022
xTalk 60: Nữ giới theo ngành IT cần phải lưu ý điều gì?
22/10/2021
My FUNiX story #4: Học CNTT ở đâu cũng được, nhưng máy tính “ngon” nhất định phải có một con
24/09/2020
Trong thế giới Cloud – Amazon là người tiên phong
07/08/2017