banner

Giấc mơ du học, làm việc tại Mỹ, xa hơn nữa là định cư tại đây không hề đơn giản. Dù dễ hòa nhập đến đâu, bạn cũng không phải là người bản địa, giỏi tiếng đến mấy, đó cũng không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn. Vậy làm thế nào để có một “giấc mơ Mỹ” thực sự?

Tất cả những gì cần là tôn trọng chính mình và tìm được đam mê.

Mentor Đinh Công Bằng có một profile khá đẹp: Tốt nghiệp Toán – Tin Đại học Quốc gia, Hà Nội, Tốt nghiệp thạc sỹ trường RMIT, Úc; Từng nghiên cứu sinh trường Florida State University. Năm 2000, anh sang Mỹ theo diện visa H1B (thị thực tại Hoa Kỳ theo Đạo luật Di trú và Quốc tịch, mục 101 cho phép chủ lao động Hoa Kỳ tạm thời sử dụng lao động nước ngoài trong các ngành nghề đặc biệt. Một nghề nghiệp chuyên môn đòi hỏi phải áp dụng kiến thức chuyên ngành và bằng cử nhân hoặc tương đương với kinh nghiệm làm việc). Những tưởng anh Bằng là người sinh ra từ vạch đích, học lớp chọn, gia đình có truyền thống về học hành nhưng thực tế lại trái ngược: Anh chỉ học trường bình thường với học lực mức trung bình trong suốt 12 năm phổ thông. Thậm chí, anh còn trượt đại học năm đầu và cũng phải vừa học ôn thi, vừa lao động phụ giúp gia đình về tài chính.

Thú vui hàng ngày từ hồi học sinh cấp 1 của anh là nghe đài sóng ngắn (shortwaved radio). Có lẽ vậy nên anh bắt đầu học tiếng Anh từ năm 14 tuổi. Sau đó tự học tiếp là chính bằng nhiều cách khác nhau tại các thời điểm khác nhau. Thành tích khủng đạt được đó là: Nghe hết truyện Thủy Hử từ đài Phát thanh Quốc tế của Trung quốc. Thưởng thức bài Lady in Red của Chris De Burgh trong tuần lên No1 trong UK Singles.

Điều đó để cho thấy rằng: “Cái làm nên danh tính của mỗi người không phải năng lực chuyên môn mà là bản thân tự biết mình là ai, mình muốn gì và đam mê điều gì.”

Mentor Đinh Công Bằng chia sẻ về câu chuyện bản thân
Mentor Đinh Công Bằng chia sẻ về câu chuyện bản thân

Cái cảm giác ĐƯỢC CÔNG NHẬN vì chính sức lực của mình thật khó có thể tả được. Với anh Đinh Công Bằng, đó là:

  • Năm thứ hai Đại học: “Bắt được reverse-engineer”, viết lại, và “nâng cấp” một con virus máy tính lây nhiễm qua ổ mềm. Sau khi hoàn thành con virus chỉ còn size là 113 bytes.
  • Năm thứ ba Đại học: Tự viết chương trình Tetris, xếp các khối hình rơi từ đỉnh màn hình, cho hai người cùng một lúc, có âm thanh, màu tự biến đổi, các hình khối ngẫu nhiên…
  • Năm thứ ba Đại học: “Sáng chế” ra một phương pháp chống sao chép ứng dụng chạy trên đĩa mềm máy tính.
  • Năm thứ tư Đại học: Hoàn thành một ứng dụng cân và tính tuổi (%) vàng, dùng trong các tiệm kim hoàn.
  • Phỏng vấn thành công vào làm cho Oracle (1995) sau khi không thành công ở những công ty nước ngoài khác (không thành công với Olivetti của Ý, Motorola của Mỹ, và một vài công ty khác).
  • Phỏng vấn thành công và nhận học bổng toàn phần học chương trình Master từ xa của đại học RMIT của Úc.

Hòa nhập nhưng không hòa tan

Nét độc đáo, khác biệt của mỗi người đều có một giá trị riêng. Xã hội cần đa dạng do vậy không được gò mình vào khuôn mẫu người khác nghĩ là mình nên làm. Chỉ có chính mình mới hiểu bản thân rõ nhất.

Trong 2 năm đầu ở Mỹ, anh Bằng làm nhân viên tư vấn trong các dự án công nghệ liên quan đến cơ sở dữ liệu Oracle tại nhiều nơi trên đất Mỹ như: Columbus IN, San Francisco CA, Austin TX, Tallahassee FL. Anh cảm thấy cuộc sống cũng có nhiều áp lực, không rõ tương lai ngày mai sẽ ra sao. Năm 2002, anh lựa chọn làm cho chính phủ Mỹ ở Florida để ổn định cuộc sống, mặc dù thu nhập giảm rất nhiều. Lúc ấy, anh đã tự nói với bản thân “cứ đi cái đã”, dù không biết đi thế này có đến được đích hay không. Nhưng rồi thời gian dần qua đi, nhìn lại mọi thứ, anh nhận ra đúng là cứ đi rồi sẽ đến, vì nếu không đi thì sẽ không bao giờ đến cả.

Mentor Đinh Công Bằng là điển hình cho câu nói "Cứ đi sẽ đến"
Mentor Đinh Công Bằng là điển hình cho câu nói “Cứ đi sẽ đến”

“Cứ đi rồi sẽ đến” với những con số và sự kiện ấn tượng:

  • Năm 2004 mua nhà.
  • Năm 2005 nhận thẻ xanh định cư.
  • Năm 2007 (sau 7 năm ở Mỹ) anh về thăm Việt Nam lần đầu tiên.
  • Năm 2010 trở thành công dân Mỹ.
  • Trở thành nghiên cứu sinh trường Florida State University.

Sau khi chia sẻ về câu chuyện của bản thân, anh tư vấn cho mentor FUNiX về bức tranh toàn cảnh của các loại visa Mỹ cùng những ví dụ thành công điển hình: Visa chuyên môn H1B, Visa định cư EB1 (Định cư theo diện nhân tài); Visa EB2 NIW (National Interest Waiver) – cấp thẻ xanh cho những cá nhân có kỹ năng nước Mỹ đang cần mà không cần phải qua qui trình tuyển dụng, vì họ có những chuyên môn làm lợi ngay cho nước Mỹ.

Giấc mơ Mỹ không phải là cứ đến nước Mỹ tự dưng sẽ thành, nó là BIỂU TƯỢNG và LÝ TƯỞNG của xã hội mà trong đó, mỗi công dân có quyền và những cơ hội cần thiết để thành công.

Giấc mơ Mỹ sẽ thay đổi theo hướng nào khi các thế hệ mới tiếp nhận khái niệm này? Chúng ta chỉ có thể chắc chắn rằng, dù sớm hay muộn, chúng ta lại có một giấc mơ mới (chẳng ai đánh thuế giấc mơ cả): Giấc mơ FUNiX chẳng hạn – Giấc mơ biến FUNiX thành trường học cuối cùng mà người học tham gia. Đánh thức, rèn giũa năng lực tự học của sinh viên Việt Nam. Và, công việc mentoring chắc chắn sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ đối với mỗi một Mentor FUNiX.

Hoàng Thu Trang