Tổ chức online vào 8 giờ tối thứ 5 tuần thứ 2 và thứ 4 hàng tháng, mỗi chương trình xDebate có sự tham gia của 6 xTer phân chia ngẫu nhiên thành hai đội ủng hộ và phản đối một chủ đề được báo trước 3 ngày. Mỗi cuộc tranh biện diễn ra trong vòng 45 phút, đan xen giữa phần nói thành viên mỗi đội và phần hỏi đáp cùng đại diện đội đội thủ. Team chiến thắng được lựa chọn dựa trên tiêu chí chất lượng của các luận điểm được đưa ra, với phần thưởng là 900,000 vnđ.
Hoạt động diễn ra dưới sự điều phối của một mentor – người đồng thời nắm giữ vai trò giám khảo, với nhiệm vụ xác định các vấn đề/xung đột chính trong cuộc tranh biện, chỉ ra đội nào giải quyết tốt hơn và tại sao. Giám khảo không được áp dụng bất kỳ kỳ vọng hay quan điểm cá nhân, cũng như hiểu biết, chuyên môn về chủ đề được nói đến khi đưa ra quyết định.
x-Debate số đầu tiên sẽ diễn ra vào 20h tối thứ 5 ngày 28/1 tới đây với một chủ đề môi trường đang gây nhiều tranh cãi hiện nay: Nên triển khai các đề án nhằm giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa, sản phẩm dùng một lần thay vì các dự án phân loại, tái chế rác thải sinh hoạt.
Chương trình có sự tham gia của 6 sinh viên,mức độ kinh nghiệm khác nhau với hoạt động tranh biện. Chưa từng tham dự một cuộc thi chính thức, nhưng thường xuyên tranh luận về nhiều chủ đề trong cuộc sống hàng ngày, xTer Nguyễn Đức Trường (Hà Nội) tham gia với mong muốn thử và học hỏi về một quy trình debate chuẩn. Võ Bảo An (TP. HCM), đồng đội của Trường trong team ủng hộ, cho biết bạn từng tham gia tranh biện ở lớp, và đăng ký xDebate vì trau dồi khả năng phản biện và tư duy logic tốt.
“Mình thích tham gia những sự kiện của trường, như xTalk, xTour tham quan doanh nghiệp, Hackathon… vì thấy rất thú vị.”
– cô bạn học sinh lớp 10 bật mí.
Đóng vai trò điều phối và giám khảo lần này là một gương mặt quen thuộc với cộng đồng xTer: mentor Vũ Ngọc Trung. Với 4 năm kinh nghiệm tranh biện thời sinh viên, anh cho biết đây là công cụ rất hiệu quả để rèn luyện tư duy, cách trình bày, lắng nghe, và thể hiện bản thân.
“Nhờ debate, mình được được thực hành nhìn mọi việc đa chiều, thấu đáo, thông qua phản biện của đối thủ và tự phản biện, được nói, được lắng nghe, và học cách lắng nghe người khác.”,
chàng kỹ sư cầu nối chia sẻ.
Mentor Trung dành một lời khuyên cho các xTer: luyện tập nhiều và chuẩn bị các phương án thật kỹ. Tranh biện là để làm rõ vấn đề, không phải để thắng /thua, đúng/sai. Vì vậy, các bạn cứ trình bày những gì mình nghĩ, bày tỏ thái độ lắng nghe, tôn trọng đối thủ. Điều sẽ giúp cho mọi người bớt căng thẳng, cuộc tranh biện cũng sẽ đi đúng đường.
Vân Nguyễn