banner

“Xây dựng cộng đồng công nghệ” là một chủ đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng được dự báo sẽ là xu hướng truyền thông của các doanh nghiệp trong tương lai. Đặc biệt, trong những năm vừa qua, mô hình “quốc gia khởi nghiệp” đã được phổ biến và hưởng ứng khá rộng rãi tại Việt Nam với sự ra đời của nhiều đơn vị cung ứng các giải pháp, dịch vụ thiết thực cho người dùng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, thì việc xây dựng cộng đồng công nghệ nhằm mang lại sức mạnh “quốc gia khởi nghiệp” có ý nghĩa nhất định.

Theo anh Đinh Hồng Dương, để tạo ra một cộng đồng thành công không phải là việc dễ dàng. Những người có cùng sở thích chung tập hợp lại thì có thể được gọi là cộng đồng nhưng một cộng đồng đáng để tham gia cần có một sự đầu tư thỏa đáng. Trong khuôn khổ chương trình, anh Hồng Dương đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như góc nhìn của mình về việc xây dựng cộng đồng công nghệ thành công.

Nội dung có ích cho cộng đồng là yếu tố quan trọng nhất.

Cộng đồng công nghệ là nơi tập trung những người có niềm yêu thích về công nghệ, muốn tìm hiểu về công nghệ mới, muốn chia sẻ cách nhìn của bản thân về một ứng dụng công nghệ mới. Các thành viên tham gia là vì nội dung đó chứ không phải vì bất kỳ một thứ nào khác. Nội dung mang lại cho các thành viên sự hữu ích thực tế cùng với các giá trị chia sẻ hữu ích khác. Một cộng đồng mà không có sự chia sẻ giá trị trong đó thì không thể nào hy vọng nó phát triển và lớn mạnh được.

Tập trung vào việc tìm “đại sứ công nghệ” trong cộng đồng

Đại sứ công nghệ được ví là những “hạt giống” – Những người luôn cháy hết mình, hừng hực khí thế lan tỏa giá trị cộng đồng ra xung quanh. Họ có thể không mạnh về chuyên môn nhưng trong họ luôn đau đáu về việc làm sao kết nối, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cơ hội cho những thành viên trong cộng đồng. Xây dựng cộng đồng cũng giống như trồng rừng, tìm được hạt giống tốt, ươm mầm trong một môi trường tốt, đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi” thì ắt rằng “có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh”.

Quan trọng là tìm ra được “điểm kết nối”.

Bất kỳ một vấn đề gì đều phải có tranh luận, đấu tranh thì mới có phát triển. Việc cộng đồng công nghệ có ý kiến riêng lẻ, có góc nhìn riêng rất dễ xảy ra. Quan trọng là ta phải tìm được “điểm kết nối”. Trong cộng đồng không có đúng hay sai, chỉ có cách nhìn của người này khác người kia. Mọi người được tự do chia sẻ góc nhìn, bày tỏ quan điểm, ý kiến riêng của bản thân dù có thể ý kiến là khác nhau nhưng đã là quy định chung thì mọi người đều phải tuân thủ.

Kiên trì và nhất quán cho đến khi đạt được mục tiêu.

Mỗi một cộng đồng đều có một bản chủ trương, điều lệ hoạt động riêng (giống một bản tuyên ngôn) và tuy rằng các thành viên luôn có sự “kết nối” nhất định khi tham gia cộng đồng nhưng việc định hướng đưa cộng đồng đó đi tới đâu thì lại phụ thuộc vào đội ngũ trong ban quản trị (các hạt giống). Các mục tiêu đề ra phải đảm bảo sự nhất quán, giúp sự “kết nối” được duy trì, tránh dẫn tới việc xa rời khỏi “điểm kết nối”.

Hiệu ứng đám đông, truyền miệng

Để đo lường xem cộng đồng đó có đang đi đúng hướng hay không người ta căn cứ vào số lượng bài viết được chia sẻ, đối tượng tương tác, tham gia thảo luận sôi nổi. Thông tin càng nhiều thì cộng đồng sẽ ngày càng được nhiều người biết đến và dần trở nên đông vui, xôm tụ do có nhiều thành viên và nhiều kênh khác nhau nhắc đến cộng đồng đó.

Sự quản lý chặt chẽ của đội ngũ quản trị

Đội ngũ quản trị cần phải hoạt động tích cực mới có thể duy trì và phát triển một cộng đồng. Có một hạt giống tốt, trồng trong một môi trường tốt nhưng khi có sự xâm lấn của “Cỏ dại” thì ta phải có hành động ngay và luôn: Cụ thể là phải bỏ thời gian lọc bài, duyệt bài, xoá các bình luận quảng cáo, bài livestream… block các thành viên đi ngược lại các giá trị của cộng đồng, giải quyết một số tranh chấp của các thành viên…

Hoàng Thu Trang