banner

Là CEO JobsGo – nền tảng tuyển dụng thông minh với hơn 1 triệu thành viên tính đến tháng 10/2020, anh Phạm Thanh Hải có nhiều năm làm việc trong ngành CNTT và thị trường tuyển dụng CNTT. Xuất phát điểm là một lập trình viên, anh không chỉ thấu hiểu những mong muốn của nhà tuyển dụng, mà còn hiểu được những ưu – nhược điểm của các ứng viên tìm việc. Tại ZoomTalk cùng sinh viên FUNiX, anh đã đưa ra một góc nhìn từ khái quát đến cụ thể xoay quanh vấn đề này.

Mở đầu cuộc trò chuyện, thông qua giới thiệu chung về thị trường tuyển dụng, anh Hải gợi ý những công việc phổ biến cho dân công nghệ như Front- end, Back-end, Full-stack, DevOps, Data, Test cho đến Project manager, Product Manager, Technical Lead, CTO… Những vị trí này đòi hỏi các ngôn ngữ, nền tảng khác nhau của ứng viên. Hiểu về các vị trí tuyển dụng giúp ứng viên xác định được công việc phù hợp tính cách của mình. Bên cạnh đó, làm việc tại các công ty outsource hay công ty phát triển sản phẩm sẽ mang những đặc thù nhất định mà các ứng viên nên xác định trước khi tìm việc.

Đánh giá nhu cầu nhân lực ngành IT luôn ở mức cao, anh Hải tiết lộ thống kê dải lương ngành IT mà JobsGo đưa ra. Trong đó, mức lương ngành IT cao hơn mức lương trung bình từ các ngành khác khá nhiều. Các ứng viên có 1-3 năm kinh nghiệm có thu nhập từ 10 – 25 triệu tùy thuộc vào kỹ năng, kinh nghiệm… và hàng nghìn USD với các vị trí đặc biệt.

Nếu muốn tìm kiếm vị trí cụ thể, ứng viên có thể tra cứu mức lương trên JobsGo (https://jobsgo.vn/tra-cuu-luong.html).

Ứng viên có thể tra cứu mức lương trên JobsGo

“Khi đã có vị trí mơ ước, một ứng viên cần vượt qua 3 “điểm chạm” với Nhà tuyển dụng: Thông qua CV, Phỏng vấn và Thời gian thử việc” – anh Hải khái quát.

Những tiêu chí của một CV tốt

Một CV gồm có 3 tiêu chí chính: Nội dung (viết gì, liệt kê kinh nghiệm, kỹ năng ra sao); Thiết kế (trình bày nội dung ra sao); Độ phù hợp của CV với vị trí ứng tuyển (độ phù hợp là phần quan trọng nhất).

Đối với dân Tech nói chung, nội dung của CV là yếu tố quan trọng hơn thiết kế, nhưng cần tóm được những điểm quan trọng. Một CV trình bày đơn giản nhưng đầy đủ thông tin cần thiết tốt hơn là một CV có thiết kế đẹp nhưng sơ sài, không làm nổi bật năng lực ứng viên.

3 tiêu chí chính để đánh giá một CV: Nội dung, Thiết kế, Độ phù hợp cvới vị trí ứng tuyển

Đi sâu giúp các bạn trẻ xây dựng một nội dung CV tốt, anh Hải nêu một số thành phần quan trọng của một CV:

  • Thông tin cá nhân: Nếu để kèm ảnh profile nên chọn những bức ảnh sáng sủa, rõ ràng nghiêm túc, biến ảnh cá nhân trở thành lợi thế cho mình; điền đầy đủ các thông tin giúp NTD liên hệ.
  • Mục tiêu nghề nghiệp: Chia sẻ mục tiêu nghề nghiệp một cách ngắn gọn, súc tích.
  • Kinh nghiệm làm việc: Là phần nhà tuyển dụng lưu ý nhiều nhất, xem xét có phù hợp với công việc hay không. Nên trình bày theo thời gian ngược, từ công việc gần nhất… Nên lượng hóa được các kinh nghiệm, công việc mình đã làm giúp NTD hiểu được kinh nghiệm, khả năng của bạn. Người chưa có kinh nghiệm nên thay thế bằng các thành tích mình đạt được trong nhà trường.
  • Kỹ năng chuyên môn: Liệt kê những từ khóa miêu tả kỹ năng chuyên môn, tập trung vào các kỹ năng phục vụ công việc đang ứng tuyển.
  • Bằng cấp/ học vấn: Nên trình bày theo thứ tự ngược thời gian từ Đại học/ sau đại học… trở lại; nên đảm bảo đầy đủ thông tin về trường đào tạo, thời gian học và thành tích nếu có.

Một CV “chuẩn tech” chỉ nên trình bày từ 1 – 5 trang và viết ra những điểm đúng và hay nhất về mình, nên nhất quán, trung thực khi thể hiện CV và tranh thủ “khoe khéo” kinh nghiệm làm việc và “giấu khéo” những nhược điểm của mình.

Kỹ năng phỏng vấn giúp chinh phục nhà tuyển dụng

Theo anh hải, sau vòng CV, ứng viên cần vượt ra vòng phỏng vấn với các loại phỏng vấn như: Làm Quiz/ Test; Phỏng vấn; Whiteboard Coding (về thuật toán, cấu trúc dữ liệu…) hoặc làm bài tập (assignments) và Interview.

Ứng viên nên chuẩn bị kỹ lưỡng để vượt qua các vòng. Từ thực tế công việc, anh Hải chia sẻ nhiều bạn trẻ Việt nam còn yếu về thuật toán, cấu trúc dữ liệu, nên bỏ lỡ những công việc hấp dẫn.

Anh Hải cho rằng, các yếu tố thành công khi đi phỏng vấn bao gồm: Có kiến thức, hiểu biết về chuyên môn; Thể hiện được đam mê nghề nghiệp; Có tác phong nghiêm tục, cách trò chuyện logic, mạch lạc và thể hiện được sự hòa hợp văn hóa với tổ chức, khả năng gắn bó với doanh nghiệp.

CEO JobsGo chỉ ra những nguyên nhân phổ biến khiến ứng viên thất bại khi đi phỏng vấn như: Trang phục chưa thích hợp; đi phỏng vấn muộn; không chuẩn bị kiến thức tốt trước phỏng vấn; thiếu tự tin, rụt rè, sợ hãi; thiếu tôn trọng NTD; không trung thực hay không xác định được mục tiêu công việc.

Trong phần hỏi đáp cuối buổi talk, anh Hải giải đáp một số thắc mắc của xTer FUNiX về cách trò chuyện hợp lý khi Nhà tuyển dụng hỏi về lương đó là thẳng thắn đề xuất mức lương mong muốn (sau khi đã tìm hiểu kỹ dải lương cho công việc và thực sự tự tin với khả năng của mình); Hay những bí kíp giúp sinh viên FUNIX với đặc thù học online khi đi tuyển dụng như: Chỉ ra các thành tích/ giải thưởng trong quá trình học; Sử dụng các bài tập lớn, dự án để thể hiện kinh nghiệm/ kỹ năng chuyên môn, khả năng tự nghiên cứu cao và niềm đam mê công nghệ khi tham gia bổ sung kiến thức qua hình thức học online không truyền thống.

“Là một lĩnh vực có đặc thù biển đổi rất nhanh, quan trọng nhất khi theo đuổi lĩnh vực IT, bạn hãy chủ động cập nhật kiến thức, kỹ năng, giúp mình sắc bén hơn trong sự nghiệp” – anh Hải nhắn nhủ đến đông đảo các bạn sinh viên FUNiX.

Quỳnh Anh