VnExpress – Mới đây, tại ĐH Quốc Gia Hà Nội diễn ra buổi tọa đàm “Quản trị đại học trước xu thế tự chủ và hội nhập”. Tham gia chương trình có Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam – nhà sáng lập đơn vị đào tạo trực tuyến FUNiX – FPT, Tiến sĩ Phạm Hùng Hiệp – Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc thường trực ĐH Quốc gia Hà Nội, cùng nhiều lãnh đạo các đơn vị thành viên ĐH Quốc gia Hà Nội.
Tại sự kiện, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hải nhận định, các trường đại học đang đối mặt nhiều thách thức trước sự thay đổi liên tục của xã hội. Những chia sẻ từ các đơn vị có cách làm mới về giáo dục như FUNiX hay các tổ chức nghiên cứu giáo dục có thể góp phần tìm ra những lời giải mới cho quản trị đại học trong tương lai.
Với kinh nghiệm làm giáo dục và theo đuổi mô hình giáo dục trực tuyến FUNiX, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam chia sẻ, khối giáo dục dễ dàng tìm được lời giải khi xuất phát từ vấn đề thực tế. Tại FPT, FPT Education ra đời cuối 1999, xuất phát từ nhu cầu chuẩn bị nguồn nhân lực cho các dự án phần mềm, chương trình học vì vậy cũng được xây dựng để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh với nước ngoài như ngoại ngữ, sức khỏe. Từ 2015, khi bài toán đào tạo số lượng lớn nhân lực ngành CNTT tại Việt Nam cấp bách, FUNiX ra đời, trên nguyên tắc ai cũng có thể tự học những kiến thức tốt nhất mà không cần phải đi đâu.
“FUNiX tập trung xây dựng khả năng tự học của sinh viên. Với cách dạy như FUNiX, một học sinh bình thường có thể tự học lấy bằng đại học mà không cần phải đi đâu, miễn là được giúp đỡ – nếu bí có mentor giải thích, nếu chán có người “dỗ”, với sự hỗ trợ công nghệ là khả năng kết nối internet”, ông Nam chia sẻ.
Để giáo dục đại học tự chủ và hội nhập thành công, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam đưa ra ba gợi ý: quản trị dựa trên trên chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI), thu hút sinh viên nước ngoài bằng đặc sắc riêng của Việt Nam, và tận dụng tiềm lực khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề lớn của thời đại.
Cựu CEO FPT cho rằng, để tự chủ, đại học cũng cần được quản lý như một doanh nghiệp, cụ thể là dựa trên chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) để đánh giá hiệu quả của từng đơn vị, phòng ban.
Về vấn đề hội nhập, ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ về câu chuyện của Đại học Lim Kok Wing (Malaysia) – trường lấy nghệ thuật Malaysia làm “át chủ bài” để thu hút sinh viên quốc tế và đạt thành công. Đến nay, trường đã có 30.000 sinh viên trải rộng khắp 12 phân hiệu tại châu Á, châu Âu, và châu Phi.
“Để hội nhập thành công, các trường đại học cần xác định rõ điều gì có thể tạo ra sự khác biệt. Câu chuyện của đại học Lim Kok Wing cho thấy nếu chúng ta làm tốt, phát huy tốt những truyền thống, nét đẹp riêng của Việt Nam cũng có thể tạo ra cơ hội để hội nhập”, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam nhận định.
Tận dụng tiềm lực về khoa học công nghệ để giải quyết các bài toán cấp bách của đất nước cũng là một cách để các trường đại học phát triển. Tại Việt Nam, nhiều vấn đề lớn như ngập lụt, sống chung với lũ, xâm nhập mặn… là những bài toán mà cả xã hội quan tâm. Ông Nam cho rằng chỉ khi đặt ra các bài toán đủ lớn thì mới có thể hấp dẫn sự hợp tác, đầu tư của doanh nghiệp, sự tham gia của các tài năng khoa học. Một dự án khoa học tham vọng sẽ kéo theo nhiều đổi mới sáng tạo giúp ích cho các thế hệ sau.
Đưa ra cái nhìn của một nhà nghiên cứu giáo dục, Tiến sĩ Phạm Hùng Hiệp – Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia nhận định đại học công truyền thống đang phải đối mặt với bốn thách thức chính: Cạnh tranh từ xu hướng “tinh hoa hóa” (đẩy mạnh nghiên cứu) từ các đại học ngoài công lập; Chính phủ cắt giảm ngân sách; chảy máu chất xám; bộ máy cồng kềnh/văn hóa tổ chức khó thay đổi.
Ông Hiệp gợi ý, thay vì phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức), các trường đại học có thể xem xét lại các nguồn lực của mình, xác định xem nguồn lực nào có giá trị, hiếm, khó bắt chước hoặc khó thay thế.
Buổi tọa đàm cũng tạo cơ hội để người tham dự cùng thảo luận về nhiều vấn đề khác xung quanh giáo dục đại học, như tầm quan trọng của cơ chế quản lý, xu hướng chuyển dịch nhân lực từ đại học công sang tư, học online… Các khách mời nhận định, đại học công có thể phát triển mạnh khi các trường chủ động thay đổi theo xu thế hội nhập, như công nhận nhiều hình thức đào tạo khác nhau, nghiên cứu khoa học bám sát các nhu cầu của xã hội, thị trường, đặc biệt, xác định ưu thế cạnh tranh trên chính những điểm mạnh cốt lõi của mình.
Vân Nguyễn