banner

Nhằm khuyến khích các bạn trẻ cùng tham gia sáng tạo, tìm kiếm giải pháp công nghệ để ứng dụng ChatGPT – một công nghệ mới vào đa lĩnh vực, Tổ chức Giáo dục Trực tuyến FUNiX đã phát động cuộc thi ChatGPT Hackathon, diễn ra từ ngày 4/4 đến ngày 7/5 với đề bài: “Xây dựng một ứng dụng phần mềm, trong quá trình xây dựng yêu cầu sử dụng ChatGPT”.

Kết thúc vòng Sơ loại, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm đông đảo từ hơn 180 thí sinh đến từ hơn 20 trường đại học trong nước và quốc tế (Đại học FPT, Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông – ĐHBKHN, Vietnamese-German University,…) tương ứng với 56 dự án tiềm năng, ấn tượng.

Những con số ấn tượng sau vòng sơ loại cuộc thi ChatGPT Hackathon

ChatGPT Hackathon còn có sự đồng hành của sáu doanh nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo với vai trò nhà tài trợ và cố vấn chuyên môn: Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI – QAI (FPT Software Quy Nhơn); Công ty Nami Technology; Công ty Cổ phần Công nghệ UNIT; Công ty Cohost AI; Công ty Công nghệ và Tư vấn Doanh nghiệp Innocom, Công ty Cổ phần TN Tech.

Vòng chung kết cuộc thi sẽ là cuộc tranh tài của 8 dự án tiềm năng, tiêu biểu như: Dự án “Nền tảng chia sẻ tài liệu Dost” do nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện, ý tưởng “Xây dựng phần mềm nhúng trợ lý ảo sử dụng ChatGPT cho hệ thống nhà thông minh” đến từ nhóm sinh viên Đại học CNTT và TT Thái Nguyên, dự án “Trợ lý ảo Ngân hàng – FinAInce Assistant – ChatGPT” thực hiện bởi nhóm sinh viên FUNiX và Đại học FPT hay “Công cụ chấm điểm và đánh giá cho giáo viên IELTS” của nhóm sinh viên Đại học Sư phạm TP.HCM,…

Mentor Quách Luyl Đa đánh giá khá cao về chất lượng các dự án.

Chuyên gia Quách Luyl Đa – Giảng viên chuyên ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học FPT (TP. Cần Thơ), thành viên Ban Giám khảo nhận xét các bài dự thi có chất lượng khá cao, hầu hết các sinh viên đã tận dụng nền tảng ChatGPT để triển khai ý tưởng và hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.

Bổ sung thêm, thành viên Ban Giám khảo Nguyễn Ngọc Long (Fullstack Developer, Lead Team Frontend tại Vuihoc.vn) cho biết các đề tài dự thi khá đa dạng và có tính thực tiễn cao, ban giám khảo đã phải đắn đo trong việc tìm ra các nhóm được vào vòng chung kết. “Tại chặng đua cuối, các đội sẽ phải thực hiện hóa những ý tưởng đó thành sản phẩm, đây là cơ hội tốt để các bạn tìm hiểu và tận dụng sâu hơn công nghệ ChatGPT cũng như quy trình phát triển phần mềm thực tế.” – anh chia sẻ.

Thành viên Ban Giám khảo – anh Nguyễn Ngọc Long (Fullstack Developer, Lead Team Frontend tại Vuihoc.vn) cho biết các đề tài dự thi khá đa dạng và có tính thực tiễn cao

Trần Thành Luân (Đại học Bách Khoa Hà Nội – Trưởng dự án “Nền tảng chia sẻ tài liệu Dost”) cho biết ý tưởng ra đời dự án bắt nguồn từ chính thực tế việc nghiên cứu của sinh viên, các tài liệu tham khảo thường không được sắp xếp bài bản. “Hiện nay, dù đã có một số nền tảng chia sẻ tài liệu trên thị trường nhưng chưa sự kiểm duyệt nghiêm ngặt, và không có nhiều công nghệ để hỗ trợ người dùng.” – Luân cho biết.

Đến với cuộc thi, Luân cùng các thành viên trong đội sinh viên ĐHBKHN mong muốn sẽ học hỏi nhiều kinh nghiệm từ ban giám khảo và các đội thi khác. Nam sinh khẳng định: “Cuộc thi sẽ là bước đệm tốt để chúng tôi có cơ hội phát triển thêm về sản phẩm cũng như kĩ năng cá nhân của từng thành viên.”

Sinh viên Trần Thành Luân đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội – Trưởng dự án “Nền tảng chia sẻ tài liệu Dost”

Đến từ Đại học Sư phạm TP.HCM với dự án “Công cụ chấm điểm và đánh giá cho giáo viên IELTS”, sinh viên Lê Văn Báu chia sẻ công cụ được làm ra với mục đích tiết kiệm 80% thời gian chấm bài và nhận xét Ielts Writing thông qua việc làm cầu nối giữa ChatGPT và giáo viên, giúp tăng hiệu suất và chất lượng các bài chấm của mình, từ đó khuyến khích học viên viết nhiều hơn để cái thiện điểm số. “Cuộc thi là cơ hội để chúng tôi thử thách bản thân, đồng thời muốn gửi gắm niềm tin rằng AI có thể thay đổi toàn cục việc dạy và học, như cách mà Internet đã làm.” – Nam sinh bày tỏ.

Anh Ngô Xuân Hùng – Phó Trưởng BTC cuộc thi cho biết ban tổ chức đã nhận được nhiều sự quan tâm, tham gia của đông đảo sinh viên yêu thích công nghệ, lập trình, các dự án đều cho thấy sự sáng tạo và khả năng triển khai ý tưởng hết sức độc đáo.

“Hy vọng với sự hỗ trợ của công nghệ ChatGPT, cuộc thi sẽ là bước đà tốt để các bạn sinh viên phát triển năng lực của bản thân, tiếp tục theo đuổi đam mê với lĩnh vực công nghệ thông tin.”, anh nói thêm.

Chung kết dự kiến diễn ra vào ngày 7/5. Cơ cấu giải thưởng bao gồm một giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; một giải Nhì trị giá 10 triệu đồng; một giải Ba trị giá 7 triệu đồng và một giải tiềm năng trị giá 5 triệu đồng. Mỗi giải thưởng đều được tặng một tài khoản học trên nền tảng Udemy trong một năm, trị giá 360 USD và một khóa học bất kỳ tại FUNiX tương đương 10 triệu đồng.

Trước đó, FUNiX đã tổ chức cuộc thi “Ứng dụng ChatGPT trong học tập” thu hút hàng trăm lượt quan tâm, dự thi của học sinh, sinh viên trên cả nước. Đơn vị đào tạo trực tuyến này cũng trang bị phiên bản cao cấp của ChatGPT cho toàn bộ học viên khi ứng dụng này mới ra mắt, giúp trả lời hơn 50 nghìn câu hỏi của học viên về lập trình, kỹ thuật code, kiến thức công nghệ và cách tự học hiệu quả. Hiện, FUNiX tiếp tục cải thiện, nâng cấp để ChatGPT trở thành trợ lý học tập năng suất hơn.